Wikipedia sẽ trở thành di sản thế giới

Bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia đã nộp hồ sơ kiến nghị UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới. Câu hỏi đặt ra là, kiến nghị này có hợp lý hay không?
Cung cấp khoảng 18 triệu bài viết bằng 279 thứ ngôn ngữ khác nhau, Wikipedia đang có tham vọng trở thành nơi lưu trữ kiến thức nhân loại lớn nhất trong lịch sử loài người.
Trong thập kỷ đầu tiên của mình, hơn bất kỳ website nào khác, kho bách khoa toàn thư điện tử mở này đang đưa đến những thách thức mới trong tư duy về quan hệ giữa kiến thức và Internet. Tuy nhiên, liệu cây kiến thức này có đủ tầm "linh thiêng" như những kim tự tháp Giza, những cảnh quan khảo cổ tuyệt vời của thành Troy, hay những thành phố Cahokia của thổ dân da đỏ… để được đưa vào danh sách Di sản văn hóa của nhân loại?
Jimmy Wales, đồng sáng lập của Wikipedia, đang kỳ vọng vào điều này. Được Tổ chức Wikimedia hậu thuẫn, Wikipedia đã nộp đơn kiến nghị được xếp vào danh sách Di sản văn hóa Thế giới của UNESCO. Nếu được chấp thuận, Wikipedia sẽ được bảo hộ quốc tế và bảo tồn như các di sản nhân tạo và di sản thiên nhiên khác đã được công nhận trên thế giới.
Wikipedia sẽ là Di sản văn hóa thế giới?
Jimmy Wales muốn đưa Wikipedia thành Di sản văn hóa thế giới
Đưa ra những đặc điểm để được công nhận là một kho báu văn hóa, Wikipedia cho rằng, trang web của họ hội tụ đủ điều kiện cần và đủ trong tiêu chuẩn của UNESCO, rằng Wikipedia đã là “biểu trưng cho kiệt tác của tài năng sáng tạo của nhân loại”.
"Hãy cứ thử nghĩ đến lúc mọi người đều có thể truy cập tự do vào một "tổng kho" kiến thức của nhân loại? Trong suốt 10 năm nay, ý tưởng có vẻ như không tưởng này đã tập hợp được một kho kiến thức lớn nhất mà loài người từng tạo ra”, nhóm thực hiện Wikipedia 10, trang web kỷ niệm 10 năm Wikipedia, phát biểu. “Độc lập, không giới hạn truy cập, không thương mại hóa, những thành tích này đưa Wikipedia trở thành nhóm tiên phong cho những thay đổi văn hóa. Wikipedia đang truyền tải, giao lưu kiến thức giữa các nền văn hóa bằng một cách thức mới trong kỷ nguyên số hóa. Nó đang tạo dựng nên một địa chỉ duy nhất để hội tụ mọi tinh hoa văn hóa trong lịch sử văn minh của nhân loại”.
Tuy nhiên, tiến trình để UNESCO công nhận Wikipedia là Di sản văn hóa thế giới sẽ rất phức tạp. Và trước mắt, Wikipedia đang phải đối mặt với rất nhiều chất vấn và những bàn cãi xung quanh.
"Các chuyên gia về di sản thường là những người bảo thủ. Họ làm việc với di vật cổ, và một Wikipedia mới chỉ 10 năm tuổi sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn”, một giảng viên về di sản tại Đại Công nghệ Brandenburg, Cottbus, Đức, nhận xét.
“Wikipedia sẽ phải trải qua một quá trình kiểm định, đánh giá khá phức tạp của các chuyên gia và vượt qua những hoài nghi của Hội đồng UNESCO trong quá trình nhận diện”. Susan Williams, trưởng bộ phận đối ngoại của văn phòng UNESCO Paris, cho biết, “Chưa từng có một tiền lệ nào với những đề cử cho một di sản số kiểu Wikipedia”.
"Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể nộp đề cử cho danh sách Di sản văn hóa thế giới. Nhưng sẽ rất khó để có thể đạt được chuẩn mà UNESCO đề ra”, bà Williams nói. “Một trong những tiêu chuẩn quan trọng, đó là sản phẩm văn hóa được đề nghị phải đang có nguy cơ mai một, và ít có khả năng bảo tồn, lưu giữ”.
Cũng có những bàn cãi cho rằng Wikipedia cũng như là một biểu tượng về nhận thức giống như một dạng của Thư viện khổng lồ Alexander ở Alexandria, nơi đang cất giữ những kiến thức của nền văn minh cổ đại. Tuy nhiên, Di sản văn hóa này cũng chứa đựng trong nó vô số những di chỉ văn hóa vật thể cổ đại, bao gồm các kiệt tác về văn hóa như kiến trúc, các hầm mộ…. Liệu Wikipedia có gì biểu thị hữu hình cho các nội dung số, hay Wikipedia sẽ tự nhận rằng họ nằm trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể - danh sách ghi tên các giá trị truyền thống đang dần mai một ở khắp nơi trên thế giới?
Liệu "tổng kho" kiến thức Wikipedia có đáng để UNESCO công nhận là di sản văn hóa? Có thể. Tuy nhiên, Tổ chức Wikimedia không thực sự cần đến nguồn viện trợ của Liên hiệp quốc để nuôi các máy chủ, nâng cao giá trị cho người dùng và làm cho Wikipedia lôi cuốn sự chú ý nhiều hơn nữa, như những mục tiêu phác ra trên trang Wikipedia 10. Wikimedia có hoạt động gây quỹ khá mạnh mẽ và thu được hơn 21 triệu USD từ tháng 11/2010 đến hết tháng 1/2011. Vì vậy, tốt hơn là UNESCO nên tập trung nguồn lực vào những di sản đang phải đối mặt với những thách thức để tồn tại.
Theo PC World VN

Popular Posts