Hãy cứ nhảy khi tim còn đạp

Khi xem lại lần thứ hai bài tốt nghiệp của Suối, chúng tôi (những người làm Baomoi) lại càng thấy xúc động hơn lần đầu tiên. Cứ tự hỏi tại sao lại đồng cảm đến như vậy và rồi nhận ra rằng sự đồng cảm đến bởi mình đang nhìn thấy chính mình và ước muốn của mình ở trong phóng sự đó. Hầu hết đều không biết nhảy, thậm chí lắc lắc cái hông chắc cũng chào thua nhưng vẫn thấy thích, vẫn xem lại bởi tận cùng là sự khâm phục và mong muốn có được sự đam mê lớn như ba bạn trẻ trong bài phóng sự. Baomoi và ePi tồn tại tới nay cũng đã tới năm thứ 5, thứ 6, trải qua rất nhiều khó khăn nhỏ có to có, khó khăn một người có thể vượt qua có mà khó khăn phải nhiều người hoặc cả công ty cùng vượt qua mới được cũng có. Thế nhưng, chúng tôi tin rằng cũng như bao bạn trẻ khác đang đam mê, đang trải nghiệm những gì mình thích thì cho tới cuối ngày, mình sẽ nhìn những vết “trầy xước” trên cơ thể của mình, trong startup của mình như những lời động viên, như những mốc đánh dấu sự đam mê nhiều hơn là sự đau đớn về thể xác. “No pain, no gain” và bạn sẽ “gain” được càng nhiều, sẽ cảm thấy “pain” càng ít khi bạn càng có nhiều đam mê.
Bài blog dưới Suối viết do được nhờ viết thêm về những gì không có trong phóng sự đó. Title của bài viết này, Suối để trắng và chúng tôi đã tạm để title của bài viết như trên với suy nghĩ rằng có lẽ khi những nhân vật của bài phóng sự ở thời điểm khó khăn nhất, họ cũng đã nghĩ tới những gì tồi tệ, họ cũng từng kêu ca, họ cũng từng trách số phận mình không may mắn như bao người bình thường khác. Baomoi cũng như hầu hết các công ty startup nào khác cũng đã từng rơi vào điểm tận cùng này và trong tương lai sẽ không rõ còn bao nhiêu lần được “viếng thăm” điểm tận cùng đó nữa. Nhưng rồi, khi tim còn đập, khi đam mê còn lại dù chỉ một chút ít đâu đó trong mình thì tại sao lại không nhảy đi? không làm việc và tạo ra những gì mình thích, những gì mình cảm thấy có ích cho người khác đi? Ba bạn trẻ trên đã làm, đã đứng dậy và đã thắng bản thân bằng chính niềm đam mê của mình.
Vậy, hãy xem bài phóng sự của Suối ở phía dưới nếu bạn chưa từng xem nó, hãy đọc bài viết ở phía dưới và hãy để lại comment nếu bạn cũng cảm thấy đồng cảm với chúng tôi.


Đã có những buổi sáng, mình mở mắt ra và không biết dùng cuộc đời mình vào việc gì.
Nếu đột nhiên có người hỏi bạn thích làm gì nhất trên đời, bạn có trả lời ngay được không?
Mình đã nghiệm ra. Từ lúc còn là trẻ con lít nhít viết lưu bút đến khi là sinh viên tốt nghiệp viết kỉ yếu, ở cái mục Sở thích, rất nhiều người không biết viết gì. Từ lúc là học sinh đi học các khóa Tiếng Anh, buổi đầu tiên bao giờ cũng có phần “Introduce yourself” chắc chắn phải nói về sở thích, đến lúc là cử nhân đi tìm việc làm, phần lớn đều khó xác định được mình thích làm gì.
Tìm được một việc để yêu thích thật sự lẽ nào lại khó đến như thế?
Mình nghĩ là không. Ai cũng là hòa thượng Thích Đủ Thứ, chỉ có điều, Thích Đến Cùng thì không.
Thích Đến Cùng chắc là cách hiểu đơn giản nhất của Đam Mê. Mario chắc hẳn phải đam mê công chúa hoặc đam mê phần thưởng sau khi cứu được công chúa đến thế nào mới sẵn sàng xả thân qua 8 bàn gian khổ như thế. Đấy là trong Game. Ngoài đời thì để thành công, cần nuôi dưỡng Đam Mê qua bao nhiêu bàn không biết, nhưng chắc chắn không chỉ dừng lại ở 8 bàn.
Như Hoa Đức Công, mình nghĩ đam mê của cậu ấy đủ dùng cho cả một đời. Hơn thế, nó dồi dào đến mức mà bất cứ ai gặp cậu ấy xong cũng phải tự vấn về đam mê của chính mình.
Những cảnh quay với Công là những cảnh quay ám ảnh mình nhất. Mình đã rơi nước mắt khi nhìn thấy cậu ấy ở bệnh viện, trong một hình hài đối lập hoàn toàn với hình ảnh Popper CK luôn luôn tỏa sáng trên mọi sàn đấu, sàn diễn như mình từng biết. Tay cầm chăn, gối với bánh mì, chân bước lảo đảo, mắt đờ đẫn mệt mỏi, miệng mấp máy nói không nên lời. Lúc đó, cậu ấy là một bệnh nhân đúng nghĩa, trên hành trình chống chọi bệnh tật và giành giật lại sức khỏe – thứ tài sản mà đáng ra, ở tuổi 20 như Công, phải là tài sản dồi dào nhất. Nếu không vì mục đích cuối cùng của bộ phim, mình hoàn toàn không muốn giương máy quay trước cảnh tượng đó một chút nào.
Đam Mê là thứ giúp Công có niềm tin để sống tiếp, ai cũng cầu mong cậu có thể bước tiếp mãi với đam mê của mình. Nhưng với Thắng, Đam Mê lại là thứ khiến cậu ấy phải dằn vặt nhiều. Nhà có 2 anh em và một người bố bị bệnh nặng, tất cả do một tay bà nội lo lắng. Ước mơ du học Hàn Quốc để được học sâu hơn về Hiphop Jazz của cậu không biết sẽ được hiện thực hóa như thế nào. Học bổng cho ngành nghệ thuật là rất khó, nhất là với một người ngoại đạo. Nếu kinh tế gia đình dồn hết cho cậu, em gái cậu sẽ thiệt thòi. Nhiều khi Thắng không tránh khỏi cảm giác: theo đuổi đam mê của riêng mình là một việc làm ích kỉ. Điều đó cũng cản trở cả chuyện tình cảm của Thắng, cậu không dám bày tỏ với bạn gái mà cậu thích, chỉ bởi nghĩ rằng: “Khi mà ngoài Đam Mê ra, mình chưa thật sự có gì, mọi thứ vẫn còn đang khó khăn và dang dở, mình không dám tự tin để quan tâm và chăm sóc cho bạn ấy”.
Có lần Vân bảo mình: “Lâu lắm rồi em có đọc được một câu, là “khi mà người ta mệt mỏi thì người ta thường chọn tìm đến niềm đam mê của mình, hơn là tìm đến ánh mắt của người mà mình yêu thương”. Mình nghĩ, trên con đường chinh phục cái mà mình Thích, hẳn là ai cũng có lúc hoang mang, mệt mỏi, cô đơn lắm. Nhưng hãy cứ Đến Cùng, vì hẳn là ở cuối đường, nếu không có công chúa (tình yêu) thì cũng có một đống vàng (tiền bạc), hoặc có pháo hoa nổ đì đùng (danh tiếng), hoặc được cả 3 thứ ấy như Mario khi phá đảo.
“Cứ Nhảy Đi” là câu chuyện về 3 bạn trẻ có đam mê. Nhưng ở hậu trường, mình được nhìn thấy cái đam mê đấy trong cả một cộng đồng. Mình nhìn thấy ở Thành LionT – trưởng nhóm Bigtoe, quyết tâm đeo đuổi xây dựng nền móng cho hiphop Việt Nam, bản thân anh đã có thời gian bị bệnh thận, sức khỏe yếu đến nỗi chưa đi nổi 100m đã gục. Antei (nhóm Sacred) xa gia đình ở Sài Gòn từ năm 14 tuổi để ra Hà Nội theo đuổi con đường hiphop chuyên nghiệp. Quân Mím (Bigtoe) bị đứt hết gân tay trong một lần nhảy quảng cáo trên kính, nhưng vẫn nhất quyết không từ bỏ hiphop. Sao Mai (Cuncun), 20 tuổi, tập hiphop đã 10 năm nay, khi mình hỏi “Nhỡ có lúc không đủ sức để nhảy hiphop nữa, em sẽ làm gì?”, cô ấy trả lời ngay:” Em sẽ đi học DJ, để về làm nhạc nhảy cho các bạn, hoặc em học kế toán để về làm nhân viên cho công ty Bigtoe :D
Mỗi sáng ngủ dậy, những người trẻ này biết, họ sẽ dùng cuộc đời của họ vào việc nhảy.
Bây giờ, sau khi làm phim, mỗi sáng ngủ dậy, mình cũng đã biết phải dùng cuộc đời mình vào việc gì.
Còn bạn, còn cuộc đời ở đấy, cứ dùng đi!

Popular Posts