Niêm yến giá cao đăng bán phá giá trò khuyến mại bẩn của siêu thị

khach-hang.jpg
Những khách hàng may mắn mua được sản phẩm “khuyến mãi giờ vàng” theo đúng cam kết như thế này không nhiều. Ảnh: D.T
Siêu thị điện máy: Lại chuyện khuyến mãi "bẩn”
ICTnews - Cố tình niêm yết giá cao rồi tuyên bố “bán phá giá”, quảng cáo một đằng, thực hiện một nẻo… chuyện kinh doanh không mấy… "đẹp đẽ" đó của nhiều siêu thị điện máy đang khiến khách hàng phẫn nộ.
Dụ khách vào… bẫy
Liên tiếp trong những ngày gần đây, Báo BĐVN nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc về tình trạng các siêu thị điện máy, điện tử, thiết bị CNTT… tại Hà Nội vẫn tiếp tục chiêu đẩy giá bán lên "cao chót vót" so với mặt bằng chung của thị trường rồi hét “bán giá điên”, “giá sốc”…
Chị Nguyễn Thanh Nga (trú tại Trường Chinh, Hà Nội) cho biết, ngày 13/7, siêu thị Pico Plaza rao bán online điều hòa Sharp Model AYAP18LW loại 18.000BTU, hai chiều với giá 13,49 triệu đồng; nếu mua trong “giờ vàng” từ 0 – 24 giờ (tức là… trọn cả ngày 13/7) sẽ chỉ phải bỏ ra số tiền là 12,99 triệu. Thế nhưng, khách hàng này cho rằng mức giá của PicoPlaza niêm yết dành cho “giờ vàng ưu đãi” vẫn còn quá cao so với thị trường. “Qua tham khảo, tôi thấy một số doanh nghiệp khác chỉ bán sản phẩm với mức từ 11,6 – 11,9 triệu đồng, đã bao gồm thuế VAT và khuyến mại thêm công lắp đặt”, chị Nga nói.
Còn tại Top Care, liên tiếp từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2011, siêu thị kinh doanh mặt hàng điện máy, gia dụng, thiết bị CNTT này bị khách hàng phản ứng vì “làm ăn thiếu tử tế”.
Cụ thể, trong chương trình “khuyến mại ngày vàng” hôm 25/6, TopCare tại địa chỉ 335 Cầu Giấy tuyên bố “giảm 50% cho 60 đơn hàng đầu tiên dưới 4 triệu đồng, mở cửa từ 9h". Thế nhưng, sau khi khách hàng vạ vật đội mưa từ sáng sớm để chờ đến giờ mở cửa thì đại diện siêu thị này lại ra thông báo… quay ngoắt so với thông tin quảng cáo ban đầu khiến cho khách hàng té ngửa thất vọng: Phải vào mua sản phẩm trước với 100% giá gốc, sau đó quay lại rút thăm, nếu may mắn bốc trúng phiếu ưu đãi thì khách mua mới được hoàn lại số tiền tương đương 50% tổng giá trị sản phẩm; còn không, phải chấp nhận mua sản phẩm với đúng giá niêm yết tại siêu thị. Còn ngày 7/7 vừa qua, siêu thị này cũng gây ra rắc rối khi bị nhiều khách hàng phẫn nộ do đã bán sản phẩm nồi áp suất chất lượng kém hơn so với hình ảnh quảng cáo, đồng thời giá sản phẩm cũng không rẻ so với thị trường chung.
Cũng trong bức tranh kinh doanh thiếu lành mạnh đó, hàng loạt siêu thị khác cũng liên tục áp dụng chiêu đội giá thành lên cao rồi khẳng định “tôi bán giá thấp”. Ví dụ như tại Media Mart, trong khi thiết bị đầu phát HD (HD Box) thương hiệu Coex M053 giá thị trường trung bình chỉ vào khoảng 4,6 – 4,8 triệu đồng, thì ngày 14/7, Media Mart tung quảng cáo tỏ ra rất hấp dẫn: “Giá hãng 5,99 triệu – Bán giá không tưởng 4,99 triệu đồng”.
Chớ vội lóa mắt!
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, thì câu chuyện “khuyến mãi giờ vàng” hay bán online giá rẻ hơn trực tiếp… không đàng hoàng (hay thậm chí còn bị người tiêu dùng gọi là “khuyến mãi bẩn”) đang được nhiều siêu thị trong nước áp dụng để câu khách. Dù rằng, nhìn nhận một cách “công bằng” thì so với các thương hiệu nhỏ khác, các siêu thị lớn đang phải chịu áp lực về chi phí thuê mặt bằng cao, chi phí duy trì đội ngũ nhân viên, cho hệ thống sau bán hàng lớn hơn…, thế nhưng việc đội giá đắt hơn thị trường chung tới hàng triệu đồng (như trường hợp máy lạnh Sharp tại PicoPlaza nói trên) thì đó là điều khó có thể chấp nhận.
Thế nhưng, một thực tế đáng chú ý là các siêu thị điện máy, CNTT đều áp dụng chiêu đội giá “cũ rích” từ vài năm nay, bị các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều thế nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn dễ bị lóa mắt vì hàng “khuyến mại giờ vàng” để rồi… mắc lừa mua phải hàng tồn, hàng trưng bày dùng thử “be bét” trong chương trình giảm giá (riêng với mặt hàng như vậy, các siêu thị lợi đủ đường khi bán đến tay người dùng do họ còn được nhiều hãng hỗ trợ giảm giá đến 20 - 30% để “đẩy” ra thị trường - PV).
Vì sao lại có thực trạng như vậy?
Trước hết, đây vẫn là câu chuyện dễ bị “hoa mắt”, “nghiện” khuyến mại của người tiêu dùng trong nước. Theo báo cáo thường niên “Xu hướng tiêu dùng” do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam vừa công bố hôm 5/7, thì tìm hiểu về hoạt động mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam tại 4 thành phố lớn TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ cho thấy hơn một nửa người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ thường tìm đến các sản phẩm khuyến mại khi đi mua sắm, trong khi tỷ lệ này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ vào khoảng 38%.
Còn mổ xẻ sâu hơn về vấn đề, trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, đại diện Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công thương) cho rằng nguyên nhân đó là do khách hàng không có nhiều thông tin về thị trường, cứ thấy các siêu thị tung tin khuyến mại là tin ngay lập tức. “Để có thể nắm bắt, so sánh được giá cả giữa các siêu thị thì chỉ có thể thực hiện hiệu quả thông qua Internet. Thế nhưng hiện nay tại Việt Nam với tỷ lệ người dân tiếp cận Internet còn thấp, thì không phải khách hàng nào cũng có điều kiện dùng máy tính khảo giá, nên chuyện vẫn có nhiều người trở thành “miếng mồi béo bở” của các siêu thị cũng là điều dễ hiểu”, đại diện Cục Thương mại Điện tử nhấn mạnh.
Phan Minh

Popular Posts